- 05/06/2021
Bệnh nhân suy tim cần ăn uống và tập luyện thế nào?
Suckhoedoisong.vn - Trời nắng nóng tác động xấu tới các bệnh lý tim mạch.
Đối với bệnh nhân suy tim, việc tuân thủ điều trị của bác sĩ là rất cần thiết, ngoài ra bệnh nhân cần xây dựng lối sống khoa học, thực hiện chế độ ăn hợp lý, có chương trình tập luyện thể dục và nghỉ ngơi phù hợp.
Xây dựng lối sống khoa học
Với bệnh nhân suy tim, việc xây dựng lối sống khoa học là vô cùng quan trọng, trong đó cần duy trì cân nặng lý tưởng, tránh căng thẳng, lo âu, stress. Không hút thuốc lá, không uống rượu. Việc theo dõi cân nặng mỗi ngày rất quan trọng.
Thời điểm cân thích hợp: Buổi sáng trước khi ăn, sau khi đã đi vệ sinh. Nếu thấy tăng cân trên 1-1,5kg/ngày hoặc trên 2,5kg/ tuần thì cần báo với bác sĩ.
Bệnh nhân cần chủ động phòng ngừa và điều trị sớm các bệnh lây nhiễm như: cúm, viêm phổi... Lắng nghe cơ thể chú ý đến những thay đổi bất thường.
Khi thấy xuất hiện những triệu chứng như: Khó thở cả khi nghỉ, không liên quan với vận động hoặc gắng sức nhiều. Phù chân nặng lên. Bụng to hơn, hoặc đau. Ngủ không ngon giấc (bị khó thở gây mất ngủ, phải dùng nhiều thuốc ngủ hơn). Ho khan thường xuyên. Chán ăn. Mệt mỏi tăng dần hoặc thường xuyên... bệnh nhân cần phải tham vấn với bác sĩ điều trị hoặc tái khám lại.
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh suy tim cần được điều chỉnh tùy theo từng giai đoạn tiến triển của bệnh.
Về chế độ ăn
Đối với người bệnh suy tim, cần thực hiện chế độ ăn theo khuyến cáo của bác sĩ. Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh suy tim cần được điều chỉnh theo từng giai đoạn tiến triển của bệnh.
Nhìn chung, bệnh nhân luôn được khuyên giảm tối đa chất béo khi ăn. Cụ thể, hạn chế các loại thịt mỡ, thịt đỏ, nên ăn thịt nạc, cá; ưu tiên các món ăn chế biến bằng cách hấp, luộc, thay vì chiên, xào, rán...
Nếu cholesterol máu cao có thể gây bệnh lý mạch vành, gây suy tim. Do đó, bệnh nhân suy tim phải hạn chế mỡ hòa tan (là loại mỡ gây tăng cholesterol), thường có trong các loại thực phẩm: Các loại thịt có màu đỏ. Các sản phẩm từ sữa (trừ các sữa không chứa cholesterol). Lòng đỏ trứng gà. Các thức ăn có nguồn gốc từ động vật. Nên thay thế các loại mỡ động vật bằng các loại dầu thực vật.
Bệnh nhân suy tim nên ăn nhiều thực phẩm có kali và magnesium, vì chúng rất cần cho hoạt động của tế bào cơ tim và vì bệnh nhân thường bị giảm kali do dùng thuốc lợi tiểu. Nên chú ý và bổ sung các thực phẩm giàu kali như bông cải xanh, chuối, bơ,... Nếu bệnh nhân bị mệt mỏi, khát nước nặng, đi tiểu nhiều hay thay đổi nhịp tim, hãy gọi cho bác sĩ ngay để có hướng điều trị thích hợp.
Người bệnh suy tim không nên uống quá 1,5 lít nước/ ngày và tối đa 1 lít/ ngày với bệnh nhân suy tim nặng. Lượng nước bao gồm nước uống, nước giải khát, trái cây, thức ăn...
Người bệnh suy tim nên bỏ rượu hoặc phải hết sức hạn chế, uống không quá 1 cốc bia hoặc 1 ly rượu vang mỗi ngày. Nên hạn chế tối đa cà phê và các thức uống giải khác có chứa chất caffein như nước tăng lực... Còn khi đã suy tim nặng thì nhất thiết phải bỏ rượu bia.
Về lượng muối: Nếu ăn quá nhiều muối (ăn mặn) sẽ gây ứ dịch và phù, gây co mạch làm tăng huyết áp, dẫn đến làm nặng thêm tình trạng suy tim. Bệnh nhân suy tim không được dùng quá 2g muối/ ngày (chưa đến 1 thìa cà phê). Và lượng muối ăn vào mỗi ngày được tính từ tất cả các nguồn thức ăn, nước uống.
Hoạt động thể lực nào thích hợp với bệnh nhân suy tim?
Bệnh nhân suy tim được khuyên nên theo dõi cân nặng hàng ngày, do vậy vẫn khuyến khích các hoạt động thể lực. Các hoạt động thích hợp với người bệnh suy tim là đi bộ. Cũng có thể đạp xe và bơi lội nếu bệnh nhân từng tập luyện trước đây và suy tim không quá nặng.
Lưu ý: Trước khi bắt đầu việc tập luyện, phải hỏi ý kiến bác sĩ để làm trắc nghiệm khả năng gắng sức hoặc cho ý kiến về môn tập phù hợp.
Điều quan trọng, bệnh nhân cần nhớ trước khi tập luyện phải chú ý nguyên tắc như: Nên bắt đầu thật chậm và tăng dần thời gian và cường độ vận động nếu thấy đủ sức. Mức vận động cần đạt: ít nhất 30 phút/ ngày (có thể chia thành nhiều lần), trên 5 lần/ tuần. Tập vào thời điểm nhất định trong ngày để tạo thói quen. Uống 1 tách nước trước, trong và sau khi tập. Mặc quần áo thoáng mát, mang giày nhẹ có dây buộc hoặc giày vải. Làm ấm cơ thể bằng các bài tập co duỗi cơ trước khi vận động. Theo dõi nhịp mạch và mức gắng sức đang thực hiện. Nên tập luyện cùng với một người bạn thân khỏe mạnh. Phải nghỉ ngơi đầy đủ để hồi phục sau vận động.
Tránh những hoạt động gây các triệu chứng khó thở; choáng váng, chóng mặt; đau ngực; buồn nôn; vã mồ hôi lạnh... nếu xảy ra những dấu hiệu này, phải dừng tập ngay.
BSCKI. Trần Văn Hạnh