- 30/05/2021
Chảy máu chân răng có thể gây mất răng
Suckhoedoisong.vn - Chảy máu chân răng hay chảy máu lợi là triệu chứng có thể thấy của các bệnh như viêm lợi, viêm nha chu, viêm quanh răng, u lợi...
Nếu không điều trị sớm chảy máu chân răng sẽ có nguy cơ dẫn đến tiêu xương khiến răng bị rụng.
Bệnh này thường xuất phát từ việc chăm sóc răng miệng không đúng cách, tạo cơ hội cho các loại vi khuẩn có hại sinh sôi và trú ngụ trong mảng bám trên răng.
Vì sao bị chảy máu chân răng?
Chảy máu chân răng có thể là triệu chứng của một trong những bệnh lý về răng lợi như viêm nha chu, viêm nướu, ... hoặc cũng có thể là các vấn đề về sức khỏe khác.
Viêm nha chu: Răng được chống đỡ và giữ trong xương hàm bởi tổ chức xung quanh răng gọi là nha chu. Viêm nha chu thường tiến triển âm thầm và là nguyên nhân khiến răng lung lay, thậm chí là mất răng. Triệu chứng điển hình của bệnh là chảy máu ở chân răng do vôi đóng quanh răng, gây viêm.
Viêm nướu: Răng được bảo vệ và giữ chắc bởi nướu hay còn gọi là lợi. Viêm nướu thường do không giữ gìn vệ sinh răng miệng, tạo điều kiện để cao răng, mảng bám hình thành và gây viêm. Triệu chứng điển hình của bệnh cũng là chảy máu ở chân răng, sưng nướu, nướu có màu đỏ, hôi miệng.
Áp-xe chân răng: Viêm hốc răng không điều trị, răng vỡ hoặc thủng tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập và tấn công vào chân răng, gây ra ổ mủ áp-xe. Triệu chứng điển hình của áp-xe chân răng cũng là chảy máu chân răng. Khi người bệnh đau nhức răng lợi liên tục, sốt toàn thân và sưng vùng mặt, đó có thể là biểu hiện nặng của áp-xe chân răng.
Các nguyên nhân khác không liên quan đến sức khỏe răng miệng có thể gây chảy máu chân răng. Thiếu hụt vitamin, suy dinh dưỡng: cơ thể bị suy dinh dưỡng, thiếu hụt vitamin khoáng chất như vitamin C, K cũng là nguyên nhân dẫn đến chảy máu ở chân răng. Ngoài triệu chứng này, người bệnh có thể bị đau nhức xương, hay buồn ngủ, khó thở (thiếu vitamin C); dùng thuốc làm loãng máu: thuốc làm loãng máu được chỉ định cho một số bệnh nhân để làm giảm khả năng đông máu có thể gây ra tình trạng chảy máu chân răng; nội tiết tố thay đổi: ở nữ, khi cơ thể bước vào giai đoạn dậy thì, hoặc mang thai, mãn kinh, sử dụng thuốc tránh thai sẽ xảy ra tình trạng thay đổi nội tiết tố và dẫn đến hiện tượng chảy máu chân răng; hút thuốc lá quá nhiều; sốt xuất huyết: khi bị sốt xuất huyết, đặc biệt là ở giai đoạn nghiêm trọng, bệnh có thể gây ra xuất huyết ở da, răng, chảy máu cam,... thậm chí có thể gây xuất huyết ở tiêu hóa, não, ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh; ung thư miệng: bệnh gây ra các triệu chứng như chảy máu chân răng, hôi miệng, khó nhai hoặc nuốt, sưng hoặc nổi hạch, viêm loét trong khoang miệng,... Các bệnh khác: thiếu máu, nhiễm trùng, ung thư vú,... cũng có thể gây chảy máu chân răng.
Viêm nha chu - một nguyên ngân gây chảy máu chân răng.
Cách điều trị chảy máu chân răng
Việc tìm hiểu nguyên nhân gây chảy máu chân răng giúp tìm ra phương pháp điều trị bệnh lý răng tốt nhất.
Chăm sóc răng miệng đúng cách: Để có hàm răng khỏe, trước tiên cần chăm sóc răng miệng đúng cách. Đánh răng 2 lần/ ngày, khi đánh răng phải đủ thời gian trung bình là từ 2-3 phút, đánh răng đúng kỹ thuật và đặc biệt nên sử dụng loại bàn chải mềm để tránh việc gây tổn thương nướu. Ngoài ra nên sử dụng chỉ nha khoa thay cho tăm để lấy thức ăn thừa và mảng bám dính trên răng.
Bổ sung các chất cần thiết: Bổ sung các loại vitamin như vitamin C để đẩy nhanh quá trình lành viết thương, vitamin K để hạn chế việc chảy máu chân răng. Có thể bổ sung vitamin C qua các loại quả như cam, chanh, bưởi… Vitamin K qua các loại thực phẩm như củ cải, chuối. Nên ăn nhiều rau xanh bởi chất xơ trong rau cũng sẽ giúp loại bỏ mảng bám trên răng.
Từ bỏ thói quen hút thuốc: Bỏ thuốc lá không chỉ giúp phòng tránh những căn bệnh nguy hiểm như ung thư mà còn giúp có một hơi thở thơm tho, loại bỏ nguy cơ răng ố vàng, viêm nha chu và chảy máu chân răng.
Sử dụng thuốc điều trị: Nếu nướu chỉ viêm nhẹ thì sau khi cao răng được loại bỏ thì hiện tượng chảy máu chân răng cũng được khắc phục. Tình trạng viêm nha chu nghiêm trọng hơn thì cần được điều trị bằng các loại thuốc kháng sinh, có thể kết hợp ngậm máng với uống thuốc theo liều lượng mà nha sĩ chỉ định. Bổ sung các loại vitamin và các loại protein, rau chủ chứa nhiều vitamin C cũng là cách làm giảm hiện tượng chảy máu chân răng hiệu quả.
Ngoài gây ra các vấn đề chảy máu chân răng, các mảng bám còn là nguyên nhân của sâu răng, làm răng bị ố vàng, xỉn màu. Việc lấy cao răng định kì là vô cùng cần thiết. Cần đi kiểm tra và lấy cao răng định kì.
BS. Văn Thành