- 18/04/2021
Dự phòng viêm bàng quang cấp tái phát
Suckhoedoisong.vn - Bệnh viêm bàng quang cấp có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên thường gặp ở người luống tuổi nhiều hơn.
Bệnh nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm bàng quang mạn tính và để lại nhiều hậu quả xấu.
Nguyên nhân gây bệnh
Viêm bàng quang cấp gặp ở cả nam và nữ. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do vi sinh vật, nhất là họ vi khuẩn đường ruột, đứng hàng đầu là E.coli, sau đó là Proteus, Enterobacter, Citrobacter. Tiếp dến là vi khuẩn họ cầu khuẩn, chủ yếu là tụ cầu da (S.epidermidis) hoặc tụ cầu hoại sinh (S.saprophyticus). Đặc biệt nhất viêm bàng quang do vi khuẩn mủ xanh (P.aeruginosa), vi khuẩn này có sức đề kháng rất tốt, đồng thời chúng có khả năng kháng lại nhiều loại kháng sinh (đa đề kháng kháng sinh). Ngoài ra, viêm bàng quang cấp có thể do vi khuẩn gây viêm niệu đạo cấp hoặc mạn tính đi ngược lên như Chlammydia, Mycolasma.
Viêm bàng quang cấp có thể do một số yếu tố thuận lợi như bàng quang ứ nước do sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo, sỏi thận hoặc do sự chèn ép gây ứ đọng nước tiểu (u xơ tiền liệt tuyến ở nam giới, nhất là nam giới là người cao tuổi). Ở phụ nữ viêm bàng quang cấp có thể do cấu tạo niệu đạo ngắn, lại ở sát gần hậu môn, nếu vệ sinh không đúng cách, rất dễ vi khuẩn xâm nhập niệu đạo, đi ngược lên bàng quang gây viêm cấp tính. Ngoài ra, một số thống kê cho thấy ở nữ giới sau khi cưới chồng hoặc quan hệ tình dục nhiều lần rất dễ bị viêm bàng quang cấp.
Viêm bàng quang cấp.
Các triệu chứng lâm sàng
Khi bị viêm bàng quang cấp, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện thường gặp sau đây: tiểu buốt, tiểu máu, nước tiểu có mủ ở cuối bãi; bệnh nhân có thể bị đau nhẹ ở vùng trên khớp mu khi bàng quang căng. Tuy nhiên có trường hợp bệnh nhân bị đau nhiều, thậm chí đau lan sang niệu đạo, âm hộ (với nữ giới). Cảm giác đau thường giảm hoặc hết sau khi đi tiểu xong; luôn cảm thấy buồn đi tiểu và đi tiểu nhiều lần trong ngày, đặc biệt vào ban đêm.
Có khi các triệu chứng không điển hình. Bệnh nhân có thể chỉ thấy nóng rát khi đi tiểu hoặc bị tiểu dắt. Thông thường bệnh nhân bị viêm bàng quang cấp tính không sốt, hoặc chỉ sốt nhẹ dưới 38 độ C.
Để chẩn đoán viêm bàng quang cấp cần hỏi kỹ tiền sử của người bệnh, kết hợp với các triệu chứng lâm sàng. Bên cạnh đó cần chụp Xquang hệ tiết niệu, siêu âm hệ tiết niệu, tiền liệt tuyến (nam giới).
Bệnh có nguy hiểm?
Bệnh đặc biệt gây lo lắng, buồn phiền, thậm chí có thể khiến bệnh nhân hoang mang. Đặc biệt là với các bạn nam nữ mới lập gia đình, hay người cao tuổi, nhất là khi bị đau, rát và đi tiểu ra máu. Nếu không phát hiện bệnh sớm hoặc bệnh nhân vì ngại mà không đi khám sớm, bệnh sẽ chuyển thành viêm bàng quang mạn tính.
Nếu bệnh không được điều trị dứt điểm có thể dẫn đến viêm ngược dòng lên thận gây viêm thận (viêm bể thận), xấu nhất là gây suy thận.
Bệnh viêm bàng quang cấp cũng có thể gây nhiễm trùng huyết. Đây là một tình trạng rất nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm. Ngoài ra, bệnh có khả năng làm tăng nguy cơ vô sinh, hiếm muộn. Biến chứng thận hư, thận yếu, suy thận sẽ làm giảm khả năng sinh lý gây ra nguy cơ hiếm muộn hoặc vô sinh cao.
Cách nào điều trị?
Đối với viêm bàng quang cấp thông thường: thường có tiên lượng tốt, bệnh thường khỏi hoàn toàn sau một liệu trình kháng sinh ngắn, phù hợp. Tuy nhiên, vi khuẩn vẫn có khả năng đi ngược dòng lên niệu quản, bể thận và thận gây viêm bể thận, viêm thận cấp, đây là một tình trạng cấp cứu nội khoa. Nếu bệnh tái phát từ 4 lần trở lên trong 1 năm, cần phải điều trị dự phòng.
Đối với thể viêm bàng quang cấp biến chứng có yếu tố thuận lợi thì tiên lượng sẽ dè dặt hơn. Cùng với việc sử dụng thuốc kháng sinh chống nhiễm khuẩn, cần phải điều trị loại bỏ các yếu tố thuận lợi nếu có thể. Đồng thời, liệu trình sử dụng kháng sinh trong trường hợp này cũng phải kéo dài trong nhiều ngày hơn.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần uống đủ nước, lượng nước tiểu ít nhất phải trên 1,5 lít/24 giờ. Đồng thời, người bệnh cũng không được nhịn tiểu quá 6 giờ. Vệ sinh vùng kín sạch và đúng cách.
Khi có các biểu hiện của bệnh, cần đi khám ngay, để các bác sĩ chuyên khoa thăm khám tìm ra nguyên nhân gây bệnh, từ đó lựa chọn thuốc kháng sinh cũng như phác đồ điều trị thích hợp. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc điều trị khi không có chỉ định của bác sĩ.
BS. Quang Hưng