- 06/03/2021
Phòng thoái hóa khớp háng
Suckhoedoisong.vn - Thoái hóa khớp háng là bệnh lý do hậu quả của tuổi tác và mài mòn khớp.
Thoái hóa khớp háng gây đau và biến đổi cấu trúc của khớp, dần dần dẫn đến tàn phế, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Thoái hóa khớp háng nếu được chẩn đoán và điều trị sớm có thể làm chậm sự phát triển của bệnh, giảm triệu chứng đau, giúp bệnh nhân vận động, trở lại cuộc sống thường ngày.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây thoái hóa khớp háng rất đa dạng, trong đó thoái hóa nguyên phát chiếm tỷ lệ cao nhất (khoảng 50%), gặp chủ yếu ở người cao tuổi. Thoái hóa khớp háng thứ phát bao gồm: tiền sử khớp háng bị viêm (thấp khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp do lao...), do chấn thương khớp háng, gãy cổ xương đùi, trật khớp háng (do lao động, tập luyện, chơi thể thao, người cao tuổi, già yếu lên cầu thang...), hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi điều trị không dứt điểm càng về sau, tuổi tác càng lớn càng dễ dẫn đến thoái hóa khớp háng. Một số trường hợp thoái hóa khớp háng là do từ lúc sinh ra đã có cấu tạo bất thường ở khớp háng hoặc chi dưới (bẩm sinh). Ngoài ra, thoái hóa khớp háng là do biến chứng của các bệnh khác (đái tháo đường, gút...), bệnh khớp do bệnh ưa chảy máu, bệnh huyết sắc tố...
Các loại thực phẩm nhiều canxi (sữa, tôm, cua ốc, dầu cá) tốt cho xương khớp.
Triệu chứng lâm sàng
Thoái hóa khớp háng khiến người bệnh bị đau và có tính chất cơ học, đau nhiều khi đi lại, dần dần đau tăng lên ngay cả khi nghỉ ngơi và ban đêm. Vị trí đau hay gặp nhất là mặt trước đùi, nếp bẹn, lan xuống dưới mặt trước trong đùi, đôi khi có thể xuống tận khớp gối, ra sau mông hoặc vùng mấu chuyển xương đùi.
Ngoài ra, người bị thoái hóa khớp háng thường bị hạn chế vận động. Giảm biên độ vận động khớp háng ngày càng tăng dần và ảnh hưởng đến các động tác sinh hoạt hàng ngày như ngồi xổm, buộc dây giày, đi vệ sinh...
Động tác gấp háng thường còn tốt, trong khi các động tác dạng, khép háng và đặc biệt là xoay bị ảnh hưởng rất sớm.
Hậu quả xấu
Thoái hóa khớp háng nếu được chẩn đoán và điều trị sớm có thể làm chậm sự phát triển của bệnh, giảm triệu chứng đau, giúp bệnh nhân vận động, trở lại cuộc sống bình thường. Nếu phát hiện và điều trị muộn sẽ có nhiều bất lợi cho người bệnh. Nếu không điều trị gì, tình trạng đau, nhức thường xuyên, cứng khớp háng ngày càng tăng ngay cả khi không vận động, cho đến khi người bệnh không thể đi lại do chỏm khớp đã biến dạng, các gai xương bám đầy khớp, khớp mất vận động. Thêm vào đó, người bệnh có thể mất khả năng xoay người, gập người hoặc dạng háng và vùng cơ bên thoái hóa khớp háng bị teo nhỏ hẳn.
Để chẩn đoán thoái hóa khớp háng, ngoài các triệu chứng lâm sàng, cần chụp Xquang, chụp cắt lớp vi tính (CT), nếu có điều kiện nên chụp cộng hưởng (MRI).
Thoái hóa khớp háng gây đau và làm biến đổi cấu trúc của khớp.
Về điều trị
Thoái hóa khớp háng là một bệnh tiến triển chậm, thường gặp ở người cao tuổi. Vì vậy, nhiều trường hợp không biết hoặc không có điều kiện để đi khám bệnh. Do đó, bệnh ngày một gia tăng và để lại hậu quả xấu. Nếu thấy đau nhức ở vùng bẹn lan xuống đùi và khó di chuyển nên đi khám bệnh. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp giảm thiểu đáng kể cơn đau và nguy cơ tàn phế. Nguyên tắc chữa trị là nghỉ ngơi (hạn chế đi lại, nếu béo phì cần giảm cân bằng chế độ ăn uống hợp lý, tập luyện bài bản), cần tập lý liệu pháp theo hướng dẫn của người có chuyên môn. Cần sử dụng thuốc giảm đau và thuốc tái tạo sụn khớp theo đơn thuốc của bác sĩ khám bệnh.
Điều trị bằng phẫu thuật khi tình trạng bệnh nặng lên, điều trị nội khoa không còn hiệu quả và các bác sĩ hội chẩn, có chỉ định phẫu thuật. Có nhiều phương pháp điều trị ngoại khoa đối với khớp háng, bác sĩ sẽ có tư vấn cụ thể để người bệnh lựa chọn, trong đó thay khớp háng là phẫu thuật phổ biến nhất, giúp người bệnh nhanh hết đau, sớm trở lại cuộc sống sinh hoạt gần như bình thường.
Nên phòng như thế nào?
Nếu mắc bệnh viêm, chấn thương hoặc tật bẩm sinh khớp háng, nên tích cực điều trị càng sớm càng tốt để khi có tuổi, hạn chế thoái hóa khớp.
Với người đã bị thoái hóa khớp háng, có thể phòng ngừa và hạn chế các cơn đau do thoái hóa sụn khớp bằng cách tập thể dục hết sức nhẹ nhàng hàng ngày, không nên đi bộ.
Bên cạnh đó, cần có chế độ ăn uống hợp lý, đủ chất, đặc biệt là ăn, uống các loại thực phẩm nhiều canxi (sữa, tôm, cua ốc, dầu cá). Cần có giấc ngủ tốt và nên tạo cho tinh thần thoải mái. Cần điều trị các bệnh có nguy cơ ảnh hưởng đến thoái hóa khớp háng (bệnh gút).
TS. Lê Nguyễn Mạnh