- 28/05/2021
Thoái hóa khớp ngày càng trẻ hóa
Suckhoedoisong.vn - Thoái hóa khớp hiện nay không chỉ dừng lại ở đối tượng người cao tuổi mà dần dần có xu hướng trẻ hóa, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Thoái hóa khớp là hiện tượng hư hỏng phần sụn đệm giữa 2 đầu xương, kèm theo là phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch nhày giúp bôi trơn trong khớp. Sụn khớp bị lão hóa trở nên sần sùi, mất độ trơn nhẵn, giảm đàn hồi, khô.
Nguyên nhân khiến thoái hóa khớp ngày càng trẻ hóa
Thoái hóa khớp trước 45 tuổi, cái tuổi còn gọi là trẻ, không phải do độ tuổi mà thường là do bị chấn thương hoặc nghề nghiệp hoặc mắc các bệnh lý về khớp trước đây. Loại thoái hóa này thường gặp sau khi bị tai nạn giao thông, té ngã trong sinh hoạt hoặc tập thể dục bị ngã, chấn thương, sau khi lành thì để lại di chứng. Bên cạnh đó, nguyên do mắc các bệnh lý về khớp như gút, viêm khớp, nhiễm trùng, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp,... nếu không được chẩn đoán sớm và không được điều trị tích cực, hiệu quả cũng để lại di chứng thoái hóa khớp, dính khớp.
Sự bất thường hình dáng, trục khớp cũng là nguyên nhân gây thoái hoá khớp sớm. Các dị tật cấu trúc, bẩm sinh hay mắc phải như chân vòng kiềng (do còi xương), chân chữ bát, bệnh khớp sau chấn thương, viêm, u... thường góp phần gây thoái khớp gối do một phần nhỏ diện khớp lại phải hứng lực hầu hết tải trọng lên khớp.
Một nguyên nhân nữa có thể gặp là do hoạt động nghề nghiệp, ví dụ người làm việc sử dụng cổ tay, bàn tay, ngón tay liên tục trong thời gian dài, người làm văn phòng ngồi lâu ở một chỗ ít hoạt động cột sống cổ, thắt lưng dẫn đến thoái hóa nghề nghiệp do ít vận động. Đối với nhóm thoái hóa khớp trung niên từ 45-65 tuổi thường bị thoái hóa khớp chuyển hóa do các nguyên nhân: thứ nhất là béo phì, vì khi bị béo phì sẽ tăng tải trọng lên cơ thể mà nơi nguy hại nhất là khớp gối; thứ hai là do một số bệnh rối loạn chuyển hoá như tăng mỡ máu, tăng đường máu, tăng huyết áp, tăng axit uric máu.
Giày cao gót cũng là thủ phạm gây thoái hoá khớp sớm. Giày cao làm lệch trọng tâm, chân đế bị thu nhỏ làm cho cơ thể phải “uốn lượn” như khi làm xiếc đi trên dây, gây căng thẳng cho các gân cơ và dây chằng.
Các khớp dễ bị tổn thương.
Biểu hiện thế nào?
Các triệu chứng của thoái hóa khớp khá đa dạng và có thể nặng dần theo thời gian nếu như không được điều trị kịp thời. Trong giai đoạn đầu khi mới hình thành bệnh, bệnh nhân có thể xuất hiện tình trạng đau ở các khớp với mức độ nhẹ. Cơn đau thường xuất hiện trong quá trình lao động quá sức hoặc rèn luyện thể lực hay tập thể dục, triệu chứng này sẽ được cải thiện khi người bệnh nghỉ ngơi. Tuy nhiên, nếu như không có tác động bởi các phương pháp điều trị thì bệnh sẽ ngày càng tiến triển, dẫn đến mức độ đau ở các khớp nặng hơn, lâu dần làm cho các khớp kém linh hoạt, đau dai dẳng và kéo dài ngay cả khi không vận động. Cơn đau có thể xảy ra bất cứ lúc nào, kể cả khi bạn đang ngủ vào ban đêm. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể gặp phải triệu chứng cứng khớp, đau khớp khi co duỗi hoặc khi hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể nghe thấy tiếng lạo xạo khi đang vận động do sụn khớp bị tổn thương khiến cho 2 đầu xương va chạm với nhau.
Ngoài ra, căn bệnh này cũng được biểu hiện bởi một số triệu chứng khác như sưng nóng ở các khớp, người bệnh khó vận động khi thực hiện các động tác cúi người, gập người, đi lại khó khăn, biến dạng hoặc lệch trục khớp,…
Lời khuyên của bác sĩ
Việc dự phòng thoái hoá khớp cần phải bắt đầu ngay từ những năm tháng đầu đời. Cần phải bảo đảm chế độ dinh dưỡng, giàu canxi và vitamin D cho trẻ để phòng tránh còi xương. Các bậc phụ huynh cũng không nên sốt ruột, bắt trẻ em phải đi, chạy sớm hay mang vác, lao động nặng. Những người béo phì phải cố gắng giảm trọng lượng của mình.
Cách phòng bệnh tốt nhất là cần thực hiện các chế độ sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Tránh cho khớp bị quá tải bởi trọng lượng và vận động bằng cách duy trì cân nặng hợp lý, tránh các tư thế: đứng lâu, ngồi vẹo lệch, không cân đối. Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên và vừa sức giúp cơ bắp khỏe mạnh, không nên tập vận động quá mạnh hoặc quá lâu. Tránh các động tác quá mạnh, đột ngột, sai tư thế khi mang vác, đẩy, xách, nâng. Về tập luyện, cần đi bộ hoặc đạp xe đạp tại chỗ. Tránh bất động ảnh hưởng đến tinh thần cũng như chức năng vận động của khớp. Ngoài ra có thể áp dụng các biện pháp vật lý trị liệu mát xa, sử dụng nhiệt lượng. Khi bệnh nhân gặp khó khăn khi đi lại có thể dùng các dụng cụ hỗ trợ như can, gậy, khung chống, thanh nẹp.
Với người cao tuổi, tốt nhất nên tập thể dục nhẹ nhàng, dưỡng sinh, bơi lội, đạp xe, đi bộ nhẹ nhàng trong khoảng thời gian 20 - 30 phút/ngày. Thực phẩm ăn uống nên đa dạng, giàu protein, vitamin, khoáng chất, đặc biệt là canxi như trứng, sữa, tôm, cua, lươn, các loại quả chín và rau có màu xanh đậm hoặc màu vàng...
Khi có những dấu hiệu của bệnh thoái hóa khớp, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa để khám và tư vấn biện pháp điều trị phù hợp. Đối với bệnh nhẹ đôi khi chỉ cần phương pháp vật lý trị liệu, còn bệnh nặng có thể phải sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau theo chỉ định.
Tuyệt đối bệnh nhân không nên không tự ý sử dụng các thuốc giảm đau vì thuốc giảm đau có thể cắt cơn đau tức thì nhưng thực tế lại không chữa được bệnh, mà khiến bệnh tiến triển ngày càng thêm trầm trọng hơn.
BS. Hoàng Lan