- 03/02/2021
10 loại rau giúp phòng chữa bệnh mùa lạnh
Suckhoedoisong.vn - Khi thời tiết đổi mùa trở lạnh, nhiều người hay sợ lạnh đau đầu, ho, sổ mũi, nhức mỏi. Bệnh phần nhiều do dương, khí hư vệ khí kém, ăn uống kém, trang phục không đủ ấm nên bị nhiễm lạnh. Để phòng trị, nên chọn món ăn giúp làm ấm cơ thể
Suckhoedoisong.vn - Khi thời tiết đổi mùa trở lạnh, nhiều người hay sợ lạnh đau đầu, ho, sổ mũi, nhức mỏi. Bệnh phần nhiều do dương, khí hư vệ khí kém, ăn uống kém, trang phục không đủ ấm nên bị nhiễm lạnh. Để phòng trị, nên chọn món ăn giúp làm ấm cơ thể, giải hàn tà. Xin giới thiệu một số loại rau có tính ấm phòng trị cảm lạnh rất tốt trong mùa đông.
Hẹ: vị hơi chua, cay, tính ấm, không độc. Tác dụng chữa viêm họng, ho, hen, tiêu hoá kém, nhiệt lỵ, trĩ, đau lưng, di mộng tinh, lạnh ngứa dị ứng nỗi mề đay... Hẹ bổ trận tráng dương, rất tốt cho người dương khí hư sợ lạnh sợ gió. Dùng phối hợp rau hẹ non giá đậu xanh gia vị xào ăn, hoặc nấu canh óc heo, món hẹ hủ tiếu, mì xào, ăn sống với nhiều loại rau khác, hẹ đúc trứng, bánh bao nhân hẹ, thịt băm viên hẹ... đều tốt, ngon, bổ.
Củ kiệu: vị cay tính ấm. Tác dụng thông dương, tán kết, hành khí, giảm đau, bổ trung, an thai, lợi thủy... Chữa chứng ho đàm, ho khan tức ngực khó thở, tiểu gắt, tiểu đục, chứng phụ nữ có khí hư... Củ kiệu là vị thuốc quý cho người dương hư chịu lạnh kém. Kiệu non lấy lá xào hoặc nấu canh; củ kiệu già muối chua ăn kèm thịt mỡ, cá kho, hoặc xé nhỏ làm gỏi thịt gà, làm gỏi ăn.
Tía tô: vị cay, tính ấm... Tác dụng trị ngoại cảm phong hàn, đầy bụng, nôn, tiêu đờm giảm ho, lý khí an thai... Có thể ăn sống, xay nước, phối hợp rau thơm khác ăn kèm với thịt, cá chấm mắm ăn, hoặc phơi khô sắc uống.
Gừng tươi (sinh khương): vị cay tính ấm. Tác dụng giải biểu, tán hàn, hành thủy, chống nôn, ôn tỳ phế... Dùng giải cảm nên nấu cháo có gừng tươi, tía tô, hành, ăn nóng; hoặc nấu canh, xào rau củ cho nhiều gừng.
Hành ta: vị cay, tính ấm. Tác dụng giải biểu, thông dương, hòa tỳ vị, sát trùng, thông kinh, lợi tiểu... Chữa cảm cúm, sổ mũi, nhức đầu, bụng đầy khó tiêu, nhiễm khuẩn đường ruột, bí tiểu tiện... Hành ta cùng tía tô, gừng tươi nấu cháo; hoặc hành xào với thịt, cá, muối chua, ăn sống.
Hành tây: vị cay, tính ấm. Tác dụng giải biểu, kiện tỳ, hòa trung, tiêu thực, sát khuẩn, lợi tiểu tiện... Trị cảm cúm, sổ mũi, nhức đầu, bụng đầy, nhiễm khuẩn đường ruột, bí tiểu, mỡ máu cao, phong thấp nhức mỏi... Hành tây kết hợp thịt, cá, xào, làm gỏi, hầm, luộc hoặc sắc nước uống đều tốt.
Húng quế (húng dổi): vị cay tính ấm... Tác dụng kiện tỳ, thông phế, sát khuẩn, an thần, thư cơ, lợi ngũ tạng... Trị cảm lạnh, ho sổ mũi, bụng đầy, viêm đại tràng co thắt, suy nhược, đau đầu khó ngủ, phụ nữ sau sinh ít sữa, viêm mũi dị ứng, ngạt mũi. Húng quế ăn sống hoặc phối hợp rau thơm khác quấn thịt cá chấm mắm ăn; toàn cây phơi khô sắc uống.
Kinh giới: vị cay, thơm tính ấm. Tác dụng giải biểu khu phong trừ thấp, cầm huyết, giải độc... Chữa cảm phong hàn sợ lạnh, sốt nhức đầu nghẹt mũi, ho, mẩn ngứa, ban sởi, mụn nhọt, xuất huyết... Có thể ăn sống, phối hợp rau thơm khác quấn thịt cá ăn, hoặc sắc uống, đều tốt.
Rau mùi (ngò rí): vị cay, tính ôn, không độc. Tác dụng giải biểu thăng dương, trừ tà khí, long đàm, phấn chấn thần kinh, mạnh sinh lý, tăng trí nhớ... Trị cảm cúm, cảm lạnh, đau đầu, sổ mũi, nghẹt mũi... Rau mùi ăn sống, ăn lẩu, luộc, nấu canh, quấn thịt cá ăn, sắc uống đều tốt.
Cải canh (cải xanh): vị cay, tính ấm. Tác dụng thông khí trừ đờm, ấm tỳ vị, lợi tiêu hoá. Trị ngoại cảm ho nhiều đờm, suyễn thở, bụng đầy đau, nôn mửa do lạnh... Cải canh nấu với cá, thịt, gừng, tiêu nấu canh, hoặc xào, ăn sống, sắc nước sắc uống đều tốt.
Lương y Minh Phúc