- 28/10/2020
Căn bệnh nhiều người mắc mà không biết, ai ngờ có thể âm thầm tiến triển thành ung thư gan
Nhiều người không hề biết mình mang bệnh đến khi đi kiểm tra sức khỏe tổng quát hoặc đi hiến máu, khám thai định kỳ.
Gan đóng vai trò quan trọng, thường được ví như “nhà máy hóa học” của cơ thể. Ngoài việc chuyển hóa thức ăn thành các chất dinh dưỡng cần thiết, gan còn có chức năng đào thải độc tố. Khi gan bị tổn hại, cơ thể đứng trước nguy cơ bị các tác nhân gây hại tấn công.
Viêm gan mạn tính là tình trạng viêm gan kéo dài ít nhất 6 tháng. Viêm gan mạn tính ít gặp hơn nhiều so với viêm gan virus cấp tính, nhưng có thể tồn tại trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ.
Ở nhiều người, viêm gan mạn tính khá nhẹ và không gây tổn thương gan đáng kể. Tuy nhiên, ở một số người, tình trạng viêm tiếp tục làm tổn thương gan từ từ, cuối cùng dẫn đến xơ gan, suy gan và đôi khi là ung thư gan.
Viêm gan mạn tính diễn biến âm thầm, lặng lẽ, ít biểu hiện những triệu chứng cụ thể, dễ nhầm lẫn đối với các bệnh khác. Cách duy nhất phát hiện viêm gan B mạn tính là xét nghiệm máu. Không ít trường hợp viêm gan mạn tính khi đi kiểm tra sức khỏe tổng quát hoặc đi hiến máu, khám thai định kỳ.
Dù vậy, với những người mắc chứng viêm gan mạn tính siêu vi, người bệnh sẽ có vài triệu chứng như: mệt mỏi, kém ăn, đau tức vùng gan, vàng da, vàng mắt hoặc chướng bụng...
Theo BS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện 108, những nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh viêm gan mạn tính gồm: Virus viêm gan C, B; Gan nhiễm mỡ không do rượu; Bệnh gan do rượu; Viêm gan tự miễn; Viêm gan mạn do thuốc...
Viêm gan mạn tính là tình trạng viêm gan kéo dài ít nhất 6 tháng. Ảnh minh hoạ
Trong các loại virus gây viêm gan (A - B- C-D-E), chỉ có virus viêm gan A không gây viêm gan mạn tính. Virus viêm gan E hiếm khi gây viêm gan mạn tính nhưng ở những người có hệ thống miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như những người đang dùng thuốc để ức chế hệ thống miễn dịch sau ghép tạng, những người đang dùng thuốc để điều trị ung thư hoặc những người bị nhiễm HIV.
Đáng nói, ít nhất 75% trường hợp viêm gan C cấp tính trở thành mạn tính. Khoảng 5-10% trường hợp nhiễm virus viêm gan B ở người lớn và khoảng 90% trẻ sơ sinh bị nhiễm virus viêm gan B trở thành mạn tính, có thể đồng nhiễm virus viêm gan D ở bệnh nhân viêm gan B, không có bệnh viêm gan D đơn thuần.
Ở một số người, tình trạng viêm gan tiếp tục làm tổn thương gan từ từ, cuối cùng dẫn đến xơ gan, suy gan và đôi khi là ung thư gan.
Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu thường xảy ra ở những người có trọng lượng cơ thể dư thừa (béo phì), tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid khiến cơ thể tổng hợp nhiều chất béo hơn, chuyển hóa chất béo chậm hơn. Kết quả là, chất béo tích tụ và sau đó được lưu trữ bên trong các tế bào gan.
Bệnh gan liên quan đến rượu thường xảy ra ở những người uống nhiều rượu trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Bệnh gan liên quan đến rượu được đặc trưng bởi gan nhiễm mỡ và tình trạng viêm gan lan rộng có thể dẫn đến chết các tế bào gan dẫn đến xơ gan.
Viêm gan tự miễn do cơ thể sinh ra các kháng thể, tự chống lại các mô của chính mình. Viêm gan tự miễn phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới.
Theo TS. BS Bùi Văn Tân, Bệnh viện 108, viêm gan siêu vi B là một loại virus tấn công lá gan, gây ra bệnh viêm gan. Theo thống kê, trên thế giới có khoảng 350 triệu người nhiễm virus này còn ở Việt Nam có khoảng 20% dân số nhiễm virus viêm gan B.
90% trẻ sơ sinh nếu mắc viêm gan B sẽ chuyển thành mãn tính, 10% còn lại là ác tính.
Hiện nay Việt Nam có các máy xét nghiệm sinh học phân tử hiện đại có thể định lượng được virus viêm gan B, đó là xét nghiệm HBV-DNA. Đây là xét nghiệm sinh học phân tử tìm xem trong máu của bệnh nhân có mang virus hoàn chỉnh hay không. Thông thường, xét nghiệm được thực hiện bằng kỹ thuật PCR.
Trong các trường hợp xét nghiêm viêm gan B dương tính, thường yêu cầu làm thêm xét nghiệm tìm HBV- DNA trước khi quyết định điều trị. Dựa trên kết quả dương tính của HBV- DNA để bác sĩ đưa ra quyết định điều trị phù hợp.