- 30/10/2019
Chuyên gia dinh dưỡng bật mí cách ăn chuẩn không cần chỉnh cho sĩ tử trong mùa thi
Để đạt kết quả cao trong kỳ thi, ngoài yếu tố chính là do sức học của mình thì vấn đề sức khoẻ cũng rất quan trọng. Bên cạnh đó, việc ăn uống và ngủ hợp lý cũng quan trọng không kém.
Ths.BS.Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cảnh báo, để đạt kết quả cao trong kỳ thi, ngoài yếu tố chính là do sức học của mình thì vấn đề sức khoẻ cũng rất quan trọng. Bên cạnh đó, việc ăn uống và ngủ hợp lý cũng quan trọng không kém.
Do đó, sĩ tử nên ăn 3 bữa chính, 2 bữa phụ trong một ngày. Ảnh minh họa: Internet
BS Hải khuyến cáo cha mẹ nên chế biến thức ăn dưới dạng nhiều nước, dễ tiêu hoá, dễ hấp thu, hạn chế các món rán, xào hoặc kho khô, mặn.
Cha mẹ cũng nên phân chia bữa ăn trong ngày cho con thành nhiều bữa hơn bình thường, nên có bữa ăn phụ vào mỗi buổi tối, bữa ăn sáng nên là bữa ăn chính trong ngày, vì bữa ăn từ chiều hôm trước cách xa, nếu nhịn ăn hoặc ăn ít có thể gây hạ đường huyết.
Ngoài ra, vấn đề lựa chọn thực phẩm cho sĩ tử cũng rất quan trọng. Cha mẹ nên chọn thức ăn tươi, sạch để tránh ngộ độc thức ăn, nhất là những ngày đi thi không nên ăn thức ăn ngoài hàng quán hoặc thức ăn chế biến sẵn
Chuyên gia dinh dưỡng khuyên sĩ tử nên ăn theo những cách như sau:
Nhóm tinh bột
Là nguồn cung cấp năng lượng chính cho sĩ tử. Tinh bột có nhiều trong cơm, phở, bún, khoai, bánh mì, mì tôm, ngô, ….
Sĩ tử cần cung cấp tinh bột vì 60% năng lượng hàng ngày tương đương với 400 gram gạo. Như vậy, một ngày có thể ăn hai bữa cơm, mỗi bữa 2 bát, buổi sáng có thể thay bằng phở, mỳ, bún, bánh mỳ.
Nhóm dầu mỡ: Chiếm khoảng 25% năng lượng hàng ngày, tương đương với 60-70 gram dầu, mỡ. Nên dùng 5070% dầu và 30-50% mỡ.
Mỡ từ cá béo tốt hơn mỡ động vật. Mỡ gia cầm tối hơn mỡ gia súc. Dầu thực vật: thường có nhiều axit béo chưa no rất tốt cho tiêu hóa.
Nhóm đạm
Chiếm 15% nhu cầu năng lượng của cơ thể sĩ tử. Đạm cung cấp axit-amin để tái tạo tế bào, tạo chất dẫn truyền thần kinh, giúp tăng cường hoạt động trí não.
Đạm có trong thịt, cá, trứng, sữa và các loại hạt. Mỗi ngày, sĩ tử cần 80-90g đạm/ngày, để đảm bảo đủ lượng chất đạm này nên cung cấp 200-250 gram thịt cá, đậu phụ và các loại hạt. Cần lưu ý đảm bảo cân đối cả 2 nguồn đạm từ động vật và thực vật.
Nhóm chất vitamin, chất khoáng, chất xơ và chất chống oxi hóa
Nhóm chất này không tạo ra năng lượng cho sĩ tử nhưng vô cùng cần thiết cho sự sống và các hoạt động của cơ thể, giúp cơ thể có sức đề kháng tốt. Nếu thiết một số chất trong nhóm này có thể làm rối loạn hoạt động của cơ thể, dẫn đến bệnh tật
Nhóm này có trong các loại rau, củ, quả. Nên ăn khoảng 400-500gam/ngày.
Các khoáng chất đặc biệt cần lưu ý cho các sĩ tử là sắt và iot. Nếu thiếu sắt sẽ gây tình trạng mệt mỏi, học kém tập trung, dễ buồn ngủ trong giờ học. Chất sắt có nhiều trong gan, rau ngót, các loại rong, tảo và các loại đậu, hoa quả tươi như: cam, bưởi, táo, đu đủ, dưa hấu.. sẽ giúp các em dễ hấp thu sắt hơn.
Iot cũng là một khoáng chất không thể thiếu cho sĩ tử. Nếu thiếu iot, não sẽ hoạt động trì trệ, kém sáng tạo, giảm tiếp thu khi học. Iot có nhiều trong cá biển, các loại rong, tảo biển và hải sản.
Nước
Nước cũng rất cần cho mọi chuyển hóa của cơ thể, đồng thời giúp điều hòa thân nhiệt, …nên cần chú ý cung cấp đủ nước cho các sĩ tử, nhất là trong mùa hè oi bức. Nên sử dụng nước đun sôi để nguội, nước khoáng hay nước bù điện giải,… hạn chế sử dụng nước ngọt đóng chai các loại. Lượng nước cần cung cấp tùy thuộc vào cân nặng của các sĩ tử, nên đảm bảo cung cấp khoảng 1,5-2,5 lít/ngày.
Chuyên gia cũng lưu ý, nếu sĩ tử muốn ăn vặt các em có thể ăn bằng các thực phẩm vẫn tốt cho sức khỏe như: táo, trứng luộc, trứng vịt lộn, chè đậu đenm đậu đỏ, tào phớ, sữa chua, bánh giò, cháo trai….