- 04/02/2021
Nhận diện chứng mề đay
Suckhoedoisong.vn - Thỉnh thoảng trên da mặt, da cánh tay tôi thường bị nổi đỏ, nề, ngứa rất khó chịu. Khi thay đổi thời tiết thì biểu hiện rõ hơn. Có phải tôi bị mề đay dị ứng? Tôi nên làm gì để hạn chế bệnh? Đỗ Hồng (Nam Định)
Dị ứng là tình trạng xảy ra khi cơ thể phản ứng với tác nhân nào đó mà nó mẫn cảm. Phản ứng dị ứng trên da cũng rất hay gặp, phổ biến nhất là mề đay. Mề đay là tình trạng trên da nổi lên từng đám sẩn mụn nhiều hoặc ít, không đều, màu hồng hoặc xanh trắng và rất ngứa. Nó thường xảy ra ở những người có cơ địa dị ứng với nhiệt độ (dị ứng thời tiết), thức ăn, do nhiễm virus hoặc một số tác nhân khác. Những ai có cơ địa dị ứng, đang có sẵn các bệnh lý hen, viêm mũi dị ứng... rất dễ bị mề đay.
Y học chia mề đay làm 2 loại cấp và mạn tính: Mề đay cấp tính xảy ra đột ngột và biến mất nhanh sau vài giờ hoặc vài ngày, hay gặp ở người trẻ và nguyên nhân thường gặp là do thức ăn hoặc thuốc. Trường hợp nặng, người nổi mề đay cấp tính có thể bị choáng váng, ngất xỉu do huyết áp xuống thấp. Mề đay mạn tính là một bệnh lý khá phức tạp với rất nhiều nguyên nhân gây bệnh khác nhau: kháng nguyên hô hấp (phấn hoa, bụi, men mốc...), mày đay do bệnh nội tiết...
Để tư vấn chính xác, cần biết rõ tình trạng mề đay của bạn xuất hiện trong bao lâu thì hết, tái phát thường xuyên không, nhưng trong thư không thấy bạn nói rõ. Vì vậy, bạn nên đi khám chuyên khoa da liễu hoặc dị ứng để được chẩn đoán và tư vấn điều trị cụ thể.
BS. Xuân Dung