- 26/12/2020
Thời điểm nào trong ngày có nguy cơ đột quỵ cao nhất?
Bác sĩ cảnh báo 2 thời điểm trong ngày có nguy cơ đột quỵ cao và những sai lầm khiến người bị đột quỵ bỏ qua cơ hội cứu sống.
Những câu chuyện buồn vì đến viện quá muộn
Bệnh viện Bạch Mai vừa chia sẻ những câu chuyện buồn về bệnh nhân đột quỵ não nhưng đến viện quá muộn.
Trường hợp thứ nhất là người bệnh 60 tuổi, quê Thái Bình, tiền sử khỏe mạnh được đưa đến Trung tâm Đột quỵ Bạch Mai vì tê yếu nửa người trái.
Kíp trực tức tốc ra đón bệnh nhân với hi vọng có thể điều trị tái tưới máu để “cứu não”. Tiếp cận hỏi thời gian khởi phát, bác sỹ nhận được câu trả lời: “Tôi bị từ hôm qua bác sỹ ạ!” Vậy bây giờ là giờ thứ 26 rồi.
Bác sỹ thắc mắc: “Tại sao bây giờ bác mới đến viện ạ?” Bệnh nhân vô tư trả lời: “Bác sỹ không biết là khi bị đột quỵ thì phải nằm bất động à? Để não được nghỉ ngơi. Nhưng tôi càng nằm nghỉ ngơi thì tay chân bên yếu mãi vẫn không cải thiện, nên tôi bảo con đưa đi viện.” Kết quả là bệnh nhân bị đột quỵ não nhưng đã qua “giờ vàng” trong khi cơ hội để dùng thuốc tiêu sợi huyết chỉ có 4-5 giờ từ khi khởi phát. Cơ hội để can thiệp lấy huyết khối chỉ có 6 giờ đầu, ngoài ra một số trường hợp đặc biệt có thể tới 24 giờ.
Một trường hợp khác là nữ bệnh nhân hơn 60 tuổi, cuộc sống hằng ngày hoàn toàn khỏe mạnh, là tổ trưởng tổ thơ ở khu phố văn minh.
Sáng sớm, bệnh nhân ngủ dậy sớm vệ sinh cá nhân rồi chuẩn bị ra công viên tập thể dục. Khi chuẩn bị ra khỏi cửa, bà đột nhiên thấy hơi yếu nhẹ và tê bì nửa người phải, kèm méo miệng nhẹ. Bà nghĩ chắc do trúng gió nhẹ thôi, nên tự đi vào giường nghỉ. Chị con gái của bà nhanh nhẹn gọi bác sĩ châm cứu đến tập và điều trị cho bà. Nhưng sau 1 ngày tình trạng vẫn không cải thiện chút nào. Cả gia đình họp bàn rồi quyết định đưa bà đến Trung tâm Đột quỵ Bạch Mai sau 1 ngày tự điều trị ở nhà… Và kết cục, bệnh nhân cũng qua giờ vàng để cứu não.
Và còn rất nhiều, rất nhiều ca lâm sàng về bệnh nhân đột quỵ não khác đã đến với Trung tâm Đột quỵ Bạch Mai trong tình trạng muộn, qua mất giờ vàng. Hệ lụy nặng thì tử vong, nhẹ thì tàn phế suốt đời.
Thời điểm nào trong ngày có nguy cơ đột quỵ cao nhất?
Theo BSCKII Nguyễn Danh Cường, Phó trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cảnh báo 2 thời điểm trong ngày có nguy cơ đột quỵ cao. Đó là đêm khuya hoặc sáng sớm.
BS Cường cho biết, thời điểm đêm muộn hoặc sáng sớm cũng là lúc người cao tuổi thường rời khỏi giường, để đi tiểu đêm hoặc tập thể dục. Trong khi đó, đây lại là khoảng thời gian nhiệt độ xuống thấp nhất trong ngày. Nếu không cẩn thận, người cao tuổi sẽ có nguy cơ bị đột quỵ.
Việc thay đổi tư thế đột ngột hoặc thay đổi nhiệt độ đột ngột đều là những những yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ, đặc biệt là với người cao tuổi.
Do đó, khi vừa tỉnh giấc, người dân không nên ngồi dậy ngay, mà cần nằm thêm một vài phút sau đó từ từ ngồi dậy tránh thay đổi tư thế đột ngột.
Ngoài ra, việc cho cơ thể thích ứng với sự thay đổi nhiệt độ cũng là một yếu tố quan trọng để phòng ngừa đột quỵ.
Để phòng đột quỵ, mọi người cần có thói quen sinh hoạt lành mạnh như: tích cực vận động thể dục thể thao, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, các thực phẩm chế biến sẵn, nói không với thuốc lá, hạn chế bia rượu, thường xuyên đo huyết áp và khám định kỳ.
Khi trời rét, việc sử dụng máy sưởi cũng cần đặc biệt chú ý, nhất là với người cao tuổi; Không để nhiệt độ quá chênh lệch so với ngoài trời.