- 22/06/2021
Yếu tố nguy cơ và triệu chứng polyp túi mật
Suckhoedoisong.vn - Polyp túi mật là những u nhú niêm mạc tuyến túi mật, là một tổn thương dạng u hoặc giả u phát triển trên bề mặt niêm mạc túi mật.
Đây là một bệnh khá phổ biến, có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu gặp ở người trưởng thành.
Polyp túi mật được tìm thấy trong cộng đồng dao động từ 0,03-9% dân số. Điều may mắn là có đến hơn 92% các trường hợp polyp đều lành tính. Dù vậy, vẫn có khoảng 8% nguy cơ chuyển thành ung thư túi mật rất khó chữa trị. Polyp túi mật lành tính chiếm khoảng 92% các trường hợp, gồm có 2 loại: u thật như u tuyến, u cơ, u mỡ...; u giả như u cholesterol, u cơ tuyến, viêm giả u... Polyp túi mật ác tính chiếm khoảng 8%, gồm có ung thư tuyến, u sắc tố, di căn ung thư...
Các yếu tố nguy cơ
Có rất nhiều yếu tố được cho là có liên quan việc hình thành polyp túi mật như: chức năng gan mật kém, nồng độ đường máu, mỡ máu cao, béo phì, thói quen ăn uống không điều độ, nhiễm virus viêm gan... Nhưng trên thực tế chưa có nghiên cứu nào khẳng định được chính xác nguyên nhân hình thành polyp túi mật.
Thực phẩm có liên quan tới sự hình thành polyp túi mật. Bệnh đa phần lành tính, nhưng ngày càng có xu hướng gia tăng do thói quen sinh hoạt và ăn uống không phù hợp.
Có nhiều yếu tố thuận lợi đối với việc hình thành polyp túi mật như chức năng gan mật kém, nồng độ đường máu, nồng độ mỡ máu cao, béo phì, nhiễm virus viêm gan, thói quen ăn uống nhiều mỡ, chất béo, làm tăng thêm lượng cholesterol trong cơ thể. Đối với người bị polyp túi mật thì chế độ ăn uống phải thanh đạm gần giống với người bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tức là phải giảm cholesterol xấu trong máu.
Polyp túi mật là một bệnh khá phổ biến, có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu gặp ở người trưởng thành.
Dấu hiệu nhận biết
Dấu hiệu lâm sàng thường mơ hồ, ít khi rầm rộ chỉ có biểu hiện khi polyp gây rối loạn bài tiết, bài xuất dịch mật tại lòng túi mật hay có sỏi túi mật hoặc viêm túi mật kèm theo. Khi đó, người bệnh có biểu hiện đau tức nhẹ vùng hạ sườn phải hoặc thượng vị khoảng gần 80%, đau thường xuất hiện sau khi ăn; có thể đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn và nôn.
Bệnh nhân thường không có sốt và không có dấu hiệu tắc mật. Thăm khám bụng có thể thấy đau tức nhẹ khi ấn vùng hạ sườn phải, đa số không phát hiện các dấu hiệu bất thường. Khám các cơ quan khác để phát hiện các bệnh lý kèm theo.
Siêu âm ổ bụng hữu ích cho tầm soát các bệnh lý túi mật, trong đó có polyp túi mật. Siêu âm cho phép xác định được polyp, vị trí, kích thước và hình dạng polyp... giúp theo dõi sự tiến triển để có xử trí thích hợp. Tỷ lệ chẩn đoán chính xác của siêu âm đối với polyp túi mật là trên 90%. Chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ (MRI) được chỉ định trong các trường hợp polyp to có nguy cơ ác tính.
Polyp túi mật có nguy cơ ung thư?
Thông thường, 92% polyp túi mật có bản chất lành tính (không ung thư), do vậy người bệnh không cần đến sự can thiệp điều trị cắt bỏ túi mật. Với polyp nhỏ dưới 1cm (hoặc dưới 1,5cm) có thể chỉ cần theo dõi thường xuyên mỗi 3-6 tháng mà không cần phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Polyp lớn hơn 1cm có khả năng tiến triển thành ung thư, đặc biệt là những polyp lớn hơn 1,5cm, do đó, cắt bỏ túi mật có thể được đề nghị để ngăn chặn sự phát triển ung thư túi mật.
Theo các nghiên cứu thì polyp túi mật nếu xác định trên siêu âm có kích thước nhỏ hơn 10mm, hầu hết lành tính. Ngoài ra, những hình ảnh gợi ý tính chất ác tính khi thấy polyp có chân lan rộng, hình không đều đặn, phát triển nhanh. Khi đó phải chỉ định can thiệp phẫu thuật ngoại khoa để cắt bỏ túi mật.
Lời khuyên bác sĩ
Do không có thăm dò nào chẩn đoán chính xác bản chất của polyp túi mật nếu chưa có can thiệp phẫu thuật, vì vậy phác đồ xử trí đối với polyp túi mật như khi nghi ngờ polyp túi mật phát hiện qua siêu âm mà bệnh nhân không có triệu chứng như đau, sốt... thì nên kiểm tra lại sau 6 tháng hay 1 năm để khẳng định. Nếu sau thời gian đó mà không còn hình ảnh của polyp thì không cần phải can thiệp. Trường hợp hình ảnh polyp rõ, cần theo dõi định kỳ bằng siêu âm 6 tháng nếu khối u lớn trên 10mm, hoặc có phát hiện các biểu hiện ác tính qua xét nghiệm máu, các thăm dò khác hoặc polyp đã có biểu hiện lâm sàng như đau sốt tái phát nên chỉ định phẫu thuật sớm.
Ngày nay, với sự phát triển của phẫu thuật nội soi, cắt túi mật nội soi là phẫu thuật ít xâm hại, ít đau và bệnh nhân hồi phục nhanh, ít biến chứng.
BS. Trần Thị Bích Hạnh